Tuyên truyền kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022

Đăng lúc: 00:00:00 25/02/2022 (GMT+7)

Tuyên truyền kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022

Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022):

Nhớ lời dạy của Bác Hồ về người thầy thuốc

      Trong cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến đời sống của toàn thể nhân dân, Người rất quan tâm đến ngành y tế và luôn dành cho những người thầy thuốc những tình cảm tốt đẹp nhất. Người thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe và vị trí quan trọng của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

      Ngay từ năm 1946, chỉ chưa đầy một năm sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã căn dặn mọi người rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”(1). Vậy nên, luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục.

       Người còn nêu rõ vấn đề sức khỏe có mối quan hệ trực tiếp với cuộc kháng chiến và kiến quốc. Người nói: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”(2)Chính lẽ đó mà đối với tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Người cũng luôn dặn dò mọi người phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đối với các cháu thiếu nhi, Người khuyên “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”, không những phải “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”...

      Người nhận định: “Công tác y tế đã có nhiều thành tích, đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh và bệnh xã hội cũ, sức khỏe của nhân dân được nâng cao. Trẻ em ngày càng được săn sóc chu đáo hơn”.  Người đã có thư khen ngợi sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ cứu thương, trong đó có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”. Người cũng luôn mong muốn “Lương y phải như từ mẫu”, người thầy thuốc săn sóc người bệnh như người mẹ săn sóc con cái của mình.

      67 năm trước, ngày 27/02/1955, Bác Hồ kính yêu gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư, Bác căn dặn “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu; xây dựng một nền y học của nước ta dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng; chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”’. Từ đó, ngày 27/02 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để cán bộ, nhân viên y tế ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy, để nhân dân ta thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh và cảm ơn các thầy thuốc.

        Ngần thời gian ấy, lời dạy của Bác đã trở thành nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mọi hoạt động của ngành y tế, là mục tiêu để mỗi cán bộ, nhân viên y tế rèn luyện phấn đấu. Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, cán bộ, nhân viên y tế có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí; hàng nghìn cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đất nước hòa bình, thống nhất, đội ngũ cán bộ y tế có mặt trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ Trung ương đến cơ sở, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, âm thầm, tận tụy cống hiến vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi gia đình, góp phần to lớn vào sự phát triển của đất nước. Thực hiện những lời dạy của Bác Hồ gắn với trách nhiệm lớn lao của người Thầy thuốc đối với sức khoẻ của nhân dân, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam không ngừng tu dưỡng đạo đức làm người, làm thầy thuốc.

       Ðến nay, mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng rộng khắp, từ Trung ương đến các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; từ đồng bằng trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến biên giới hải đảo với 100% số xã và thôn, bản có cán bộ y tế hoạt động, 100% số xã thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Do vậy, nước ta đã thực hiện được nhiều mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới đề ra. Ði liền với mở rộng cơ sở vật chất là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện đều được trang bị các loại máy móc dùng trong chẩn đoán và điều trị hiện đại, các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới đang từng bước được ứng dụng ở nước ta như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo... Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên hơn 73 tuổi; chúng ta đã tiến rất gần đến thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về lĩnh vực y tế.

      Đặc biệt, thời gian qua sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân, tàn phá trên dải đất hình chữ S thân thương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, gây tổn hại đến sức khỏe và sinh mạng của đồng bào ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, nhất khi cuộc chiến diễn ra rất gay go. “Sinh ra trong cõi hồng trần/Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”.

       Họ đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, khi giai đoạn đầu chống dịch bệnh, vaccine còn ít. Họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch để chữa bệnh, cứu người. Đội ngũ y, bác sĩ của ngành y tế đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, trong đó đã thực hiện có hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm, tổ chức công tác tiếp nhận và phân tầng điều trị, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường năng lực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đã dần hình thành, hoàn chỉnh hệ thống nguyên lý và các biện pháp phòng, chống dịch khoa học, phù hợp, sát thực tế, hiệu quả, xác định đúng đắn 3 trụ cột (cách ly - xét nghiệm - điều trị), công thức “5K + vaccine, thuốc đặc trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp khác”, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá; điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh nặng. Cán bộ, nhân viên y tế cả nước nói chung và nhân viên y tế xã nhà nói riêng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay , trạm y tế xã nhà có 05 nhân viên y tế, trong đó có 02 cán bộ y tế đã bị nhiễm bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn khi số người nhiễm bệnh càng nhiều, nhân viên y tế thì thiếu hụt.

      Nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế giai đoạn tới hết sức nặng nề và đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu khi số lượng F0 nhiều và điều trị tại nhà, nên cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của người nhiễm bệnh.

 a1.jpga2.jpga3.jpga4.jpg

       67 năm qua, lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu” thấm sâu trong tâm trí những người thầy thuốc và trở thành phương châm hành động của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành y tế. Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong ngành y tế ra sức thi đua phấn đấu, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng; là y tế nhân dân, nhân đạo, nhân bản, nhân tâm, tất cả vì sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Thay mặt cán bộ và nhân dân xã nhà tôi xin gửi tới lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ y, bác sỹ xã nhà đã không quản ngày đêm chăm lo cho sức khỏe của nhân dân và kêu gọi mọi người dân hãy chung tay chung sức, đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để giảm bớt 1 phần nhỏ áp lực cho đội ngũ cán bộ nghành y tế.

                                                                          CT-UBND XÃ Lê Đăng Trọng

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc